DCM lãi ròng gần 3.3 ngàn tỷ đồng sau 9 tháng
Theo BCTC quý 3/2022 mới công bố của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM), doanh thu và lợi nhuận ròng trong kỳ đều tăng mạnh, lần lượt là 83% và 93%.
Ông lớn ngành phân bón tiếp tục có một kỳ kinh doanh bùng nổ. Quý 3, DCM đạt doanh thu hơn 3.3 ngàn tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng bật tăng 87%, lên gần 2.3 ngàn tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, Công ty lãi gộp hơn 1 ngàn tỷ đồng, tăng 73%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 80.6 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Các khoản chi phí đều bật tăng, như chi phí tài chính tăng 83% lên 7.8 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng nhẹ 8% lên 146 tỷ đồng, quản lý doanh nghiệp tăng 70% lên 153 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận phần lợi nhuận khác tăng lên 4.5 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 200 triệu đồng).
Với doanh thu tăng mạnh, DCM lãi ròng gần 728 tỷ đồng trong quý 3, tăng 93% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ Công ty, sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm tăng 30% so với cùng kỳ, cùng giá phân bón tiếp tục neo cao – cụ thể phân Ure đạt 13,781 đồng/kg (tăng 32%), NPK đạt 14,045 đồng/kg (tăng 20.4%) – làm cho doanh thu bán hàng tại công ty mẹ tăng mạnh. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng bật tăng mạnh nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá.
Nhờ sản lượng tiêu thụ và giá phân bón thuận lợi, các yếu tố chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý dù tăng cũng không làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, qua đó giúp Công ty đạt kết quả tốt.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu Công ty đạt gần 11.5 ngàn tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế thậm chí gấp 4 lần năm trước, lần lượt gần 3.5 ngàn tỷ đồng và gần 3.3 ngàn tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, DCM đã vượt mục tiêu doanh thu gần 27% và gấp 6.4 lần mục tiêu lợi nhuận năm.
Thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của DCM tăng 21%, lên hơn 13.4 ngàn tỷ đồng, với tài sản ngắn hạn bật tăng 45%, lên hơn 10.6 ngàn tỷ đồng, chiếm 79% tổng tài sản. Trong đó, tiền mặt đạt 772 tỷ đồng, tăng 80% so với đầu năm, hầu hết là các khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (751 tỷ đồng). Các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng lên 6.9 ngàn tỷ đồng (58%) – là các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.
Các khoản phải thu ngắn hạn gấp 3.6 lần đầu năm, lên 671 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu của CTCP Vật tư Nông sản (430 tỷ đồng). Hàng tồn kho giảm nhẹ 4%, còn hơn 2.1 ngàn tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn giảm 8%, còn hơn 2.9 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính giảm mạnh từ hơn 691 tỷ đồng đầu năm xuống còn hơn 37.4 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu DCM kết phiên 24/10 là 29,900 đồng/cp, giảm 34.5% từ đỉnh 45,700 đồng/cp ngày 28/03.
Diễn biến giá cổ phiếu DCM từ đầu năm 2022 | ||
Hồng Đức | FILI