FRT tăng 3 phiên liên tiếp, Phó Tổng muốn chốt lời
Nếu bán ra thành công, ước tính vị lãnh đạo FPT Retail (Mã FRT) có thể thu về số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail (Mã FRT – HOSE) đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu.
Cụ thể, ông Việt Anh vừa đăng ký bán 300.000 cổ phiếu FRT nhằm giảm lượng nắm giữ từ 816.000 cổ phiếu (tỷ lệ 0,69% vốn) về 516.000 cỏ phiếu (tỷ lệ 0,44%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/2 đến 20/3/2022.
Trên thị trường, sau nhịp hồi ngắn từ giữa tháng 1/2023, cổ phiếu FRT hiện đang rung lắc quanh ngưỡng 73.000 đồng trong hơn 2 tuần trở lại đây. 3 phiên gần nhất, mã đều kết phiên tăng nhẹ, thị giá hiện đạt 73.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu bán ra thành công tại mức giá này, ước tính ông Việt Anh có thể thu về số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý 4/2022, FPT Retail ghi nhận doanh thu giảm nhẹ còn 8.491 tỷ đồng; lai sau thuế giảm tới 71% YoY còn 97 tỷ.
Phía công ty cho biết, trong quý 4, FRT đối mặt với nhiều bất lợi đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn… Những nguyên nhân đó dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng, bất chấp 9 tháng đầu năm rất tốt.
Với FPT Long Châu, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dược phẩm ít bị ảnh hưởng hơn, cùng với việc nhanh chóng mở rộng vùng phủ nên chuỗi nhà thuốc đã có kết quả kinh doanh tích cực.
Tính cả năm 2022, FRT báo doanh thu tăng 34% lên mức 30.166 tỷ đồng – vượt 12% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 486 tỷ đồng – giảm 12% YoY qua đó hoàn thành 67% kế hoạch năm 2022; lãi ròng giảm 46 tỷ so với năm 2021 còn 398 tỷ đồng.
Kết năm 2022, chuỗi FPT Shop có 786 cửa hàng – tăng thêm 139 cửa hàng so với đầu năm; FPT Long Châu đạt 937 cửa hàng sau khi đã mở mới 537 nhà thuốc – vượt xa kế hoạch.
Bảo Bảo | KTĐT