Ngành ngân hàng đang ở mức hấp dẫn
- P/E của ngành ngân hàng đang ở khoảng 10-11 lần và chỉ số P/B nằm ở mức 1,5 lần, mức hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư.
- Kỳ vọng nới “van” tín dụng trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế, qua đó thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, với xu hướng giảm điểm chung của thị trường, nhiều nhóm ngành có nền tảng kinh doanh tốt cũng bị giảm theo, như giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm đến 30 – 40% dù thực tế quý I ngành này vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận 29% so với cùng kỳ. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ có sức bật trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Theo các chuyên gia, hoạt động kinh tế đã ổn định trở lại sau dịch, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, NHNN đang xem xét cho mở “van” tín dụng của 6 tháng cuối năm. Những điều này cho thấy kỳ vọng tích cực về ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Ngoài ra, với vai trò là cổ phiếu “vua” – nhóm dẫn dắt thị trường, nên khi triển vọng ngành ngân hàng tươi sáng cũng sẽ tạo ra những kỳ vọng tích cực về tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết và nên kinh tế nói chung qua đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường.
Talkshow Phố Tài chính, bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cho rằng ngành ngân hàng đang phải đứng hai vai, vừa phải đảm bảo an toàn cũng như tăng trưởng và vừa phải hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh.
Ngành ngân hàng có thể trợ giúp được cho các doanh nghiệp như giãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí và hỗ trợ khách hàng cá nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nhưng có cơ trong nguy để cho ngân hàng phát triển như số lượng giao dịch online tăng nhanh (gấp 20 lần giai đoạn trước dịch). Đây là cơ hội cho các ngân hàng có được các sản phẩm số ra mắt đúng thời gian. Với việc thực thi phương pháp trên, ngành ngân hàng đang có 2 năm tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, có một thực tế là định giá ngành ngân hàng bị giảm đáng kể trong thời gian qua dù thực tế ngành đang có sự tăng trưởng. Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS), thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong năm 2020–2021, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2022 đã chịu tác động lớn từ các yếu tố vĩ mô trên thế giới, của chiến tranh… dẫn đến có sự sụt giảm đáng kể.
Trong dòng chảy đó, tất cả các ngành cố phiếu đều giảm và ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, mức giảm của cổ phiếu ngành này không lớn so với các ngành khác.
Rõ ràng mức định giá trên sàn đang chưa phản ánh đúng tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Ông Tuấn cho biết chỉ số P/E của ngành ngân hàng đã được đưa về khoảng 10 – 11 lần, trong khi P/B khoảng 1,5 lần. Đây được đánh giá là mức hấp dẫn cho nhà đầu tư có thể nghiên cứu, xem xét những ngân hàng có được năng lực tăng trưởng tốt để đầu tư mang tính chất dài hạn.
Theo bà Uyên, ngành ngân hàng đang khá hấp dẫn nhưng cũng không có nghĩa ngân hàng nào cũng tốt cho việc đầu tư, thay vào đó, nhà đầu tư cần nhìn vào khả năng tăng trưởng, mức độ phát triển an toàn và bền vững. Trong khi đó, có một số tiêu chí vẫn ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như tỷ lệ nợ xấu, lạm phát cũng như một số chính sách có thay đổi.
Ông Tuấn cho biết Thông tư 14 bắt đầu hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu ngành ngân hàng tăng lên, tuy nhiên, con số tuyệt đối có thể không lớn, từ 1,41% cho đến dưới 2%.
Còn theo Phó Tổng giám đốc MSB, tỷ lệ người dùng ngân hàng đang thấp và làn sóng dịch chuyển lớn từ sử dụng tiền mặt sang giao dịch ngân hàng là cơ hội cho bất kỳ đơn vị nào có khả năng phát triển qua kênh số hóa.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm, ông Tuấn đánh giá giữa tháng 7 sẽ được mở “van” tín dụng, đạt tăng trưởng 14% cho toàn ngành như mục tiêu đã đề ra. NHNN hàng năm vẫn có đánh giá và thường tháng 10 sẽ có đợt nới room tín dụng cho một số ngân hàng đạt được chỉ tiêu đề ra. Dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ rất lớn, từ đó chắc chắn sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận của ngành này sẽ tốt.
Theo quan điểm của bà Uyên, hạn mức tín dụng và tăng trưởng tín dụng là có giới hạn nên lợi thế sẽ đến cho các ngân hàng có khả năng thực hiện các sản phẩm dịch vụ có nhiều giá trị hơn. Với một thế hệ trẻ gia nhập thị trường như hiện nay, có thể xu hướng sử dụng các sản phẩm số sẽ là cơ hội cho ngân hàng bán lẻ của Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, cơ hội chỉ đến với các ngân hàng nào nắm bắt và có được chiến lược chuyển đổi số một cách bài bản.
Bà Uyên cho biết khi mở “van” tín dụng chưa chắc dòng tiền đã chảy thẳng vào thị trường chứng khoán. Dòng vốn sẽ chảy nhiều vào sản xuất, ngành ngân hàng sẽ xem xét cấp cho những ngành thực sự phát triển biển vững.
Chuyên gia đến từ AAS đánh giá việc nới room sẽ giúp các NHTM có dư địa để cung cấp dòng tiền tín dụng cho những doanh nghiệp có năng lực sản xuất bền vững. Chính vì điều này giúp khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp được kích hoạt từ đó giá trị tăng lên trong những giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, nếu mức giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này không tăng sẽ dẫn đến chỉ số P/E của toàn doanh nghiệp giảm xuống và sẽ kích thích dòng tiền nhàn rỗi. Nếu như dòng tiền này được kích hoạt sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt trong giai đoạn tiếp theo.
Bình An | NDH