KINH TẾKINH TẾ TRONG NƯỚC

Ngành phân bón khó khăn: Làm sao để hết cảnh “người vui kẻ buồn”?

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón xuống rất thấp, doanh nghiệp sản xuất ngành phân bón gặp khó khăn, nhưng người nông dân lại giảm bớt được gánh nặng.

Vào thời điểm cuối năm 2021 và cả năm 2022, giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp sản xuất phân bón lãi lớn, trong khi người nông dân lại thêm gánh nặng do chi phí cho sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, câu chuyện đặt ra là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa cả hai bên – doanh nghiệp và người nông dân trong bối cảnh giá phân bón và nguồn cung diễn biến không ổn định trên toàn cầu?

Năm 2022, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận thắng lớn do hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đảo chiều. Giá Urê thế giới liên tục giảm mạnh. Có thời điểm gần đây, giá rớt xuống dưới 300 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi đầu năm 2022, giá loại hàng hoá này đã giảm tới gần 70%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức lập đỉnh hồi tháng 4/2022.

Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.

nganh-phan-bon-kho-khan-lam-sao-de-het-canh-nguoi-vui-ke-buon
Để hạ giá thành phân bón và hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người nông dân, cần xem xét sửa đổi Luật Thuế 71, đồng thời tìm hướng sản xuất bền vững cho ngành phân bón.

Quý I năm nay, nhiều đơn vị phân bón lớn trong nước ghi nhận mục tiêu lợi nhuận tụt dốc. Đơn cử như phân bón Bình Điền, lần đầu tiên kể từ 2008 đến nay, đơn vị này ghi nhận doanh thu âm, lỗ trong quý I/2023. Hai doanh nghiệp lớn là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm sâu so với quý I/2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế và hợp nhất của Công ty mẹ Phân bón Cà Mau giảm hơn 84%; lợi nhuận trước thuế của Phân bón Phú Mỹ cũng ước giảm đến 88% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, Đạm Hà Bắc cũng lỗ sau 6 quý lãi liên tiếp.

Trừ các chi phí, Đạm Hà Bắc báo lỗ sau thuế 129 tỷ đồng trong khi quý 1/2022 lãi 868 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên sau 6 quý có lãi trở lại của doanh nghiệp này. Theo Đạm Hà Bắc, nguồn than khan hiếm và giá than thế giới vẫn ở mức cao, giá trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, giá Urê và NH3 thế giới đã giảm rất sâu so với giá bình quân năm 2022.

Giá phân bón đã xuống rất sâu so với hồi lập đỉnh vào đầu năm 2022 gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất. Các chuyên gia cũng dự báo năm 2023 là một năm “ít cơ hội, nhiều thách thức” cho ngành phân bón.

Để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và người nông dân, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần có những động thái như gỡ vướng về Luật Thuế 71 quy định về thuế VAT đầu vào cho phân bón.

Cụ thể, Luật Thuế 71 có hiệu lực từ năm 2015 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.

nganh-phan-bon-kho-khan-lam-sao-de-het-canh-nguoi-vui-ke-buon

Chính sách thuế hiện tại đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho ngành phân bón Việt Nam. Do không có lợi thế cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, các doanh nghiệp phân bón trong nước đang gặp khó khăn lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu, đặc biệt là loại Urê, đã tăng gấp ba lần và tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phân bón trong nước đang phải đối mặt với những thách thức kép. Họ phải vượt qua khó khăn trên thị trường và đồng thời phải chịu những thiệt hại và tác động từ chính sách thuế không phù hợp.

Theo Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để giải quyết khó khăn cho ngành phân bón và đồng thời cân bằng lợi ích cho người nông dân, cần có những điều chỉnh trong Luật Thuế 71. Việc đưa phân bón vào danh mục chịu thuế giá trị gia tăng nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng và công bằng giữa các nhà sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Trong tương lai, cần có các biện pháp và chính sách hỗ trợ hợp lý để ngành phân bón Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường và đáp ứng nhu cầu của nông dân. Điều này sẽ giúp ngành phân bón trong nước phát triển và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, về lâu dài, ông Hà khuyến nghị, các doanh nghiệp phân bón cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình, giữ vững thị trường cũ và tìm thêm các thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu các loại phân bón có chất lượng cao, quan tâm đến phát triển bền vững, hóa học xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường.

Giải được bài toán hài hòa lợi ích mới hết cảnh: Khi giá phân bón cao, doanh nghiệp vui vì lãi lớn còn bà con nông dân “rầu ruột”. Và ngược lại.

Nguyễn Duyên | Công Thương

Chứng Khoán Nha Trang

Chứng Khoán Nha Trang : Kênh tin tức được nhiều người quan tâm về thị trường Tài chính, Bất động sản.

Bài viết cùng chuyên mục

Back to top button