Quý II : Nghành Thủy điện bùng nổ
Quý 2/2022 đánh dấu bước tăng trưởng mạnh của nhóm doanh nghiệp thủy điện. Trong khi đó, nhóm nhiệt điện chịu áp lực lớn khi giá nhiên liệu (than, khí đốt) trên thị trường tăng mạnh.
Theo thống kê từ VietstockFinance, hiện đã có 41 doanh nghiệp ngành điện (tính trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022. Trong đó, 34 doanh nghiệp có lợi nhuận ròng tăng trưởng, 17 doanh nghiệp giảm lợi nhuận, và 2 doanh nghiệp thua lỗ.
Mưa lớn “tưới mát” thủy điện
Tình hình thủy văn thuận lợi nửa đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy điện mang về lợi nhuận cao.
Đơn cử là Thủy điện Sông Ba (SBA), doanh nghiệp có lãi ròng gấp 4.8 lần cùng kỳ 2021 (đạt 46.1 tỷ đồng). Theo Công ty lý giải, việc thời tiết diễn biến thuận lợi, lưu lượng nước về hồ thủy điện tăng rất nhiều so với cùng kỳ đã giúp sản lượng điện phát ra gấp 2.1 lần, qua đó kéo lợi nhuận của SBA tăng vọt.
Tăng trưởng doanh thu – lợi nhuận ròng của SBA trong quý 1 và 2 từ 2020 tới nay | ||
Tương tự, các doanh nghiệp thủy điện khác đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Ông lớn Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH) ghi nhận doanh thu thuần 661 tỷ đồng và lãi gộp 409 tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 54% so với cùng kỳ. Công ty lãi ròng 257 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng 90% so với cùng kỳ.
Diễn biến doanh thu – lợi nhuận ròng của VSH trong quý 1 và 2 từ 2020-2022 | ||
Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP), đạt doanh thu 182 tỷ đồng, tăng trưởng 33%, lãi ròng cũng tăng hơn 90%, đạt 78 tỷ đồng. Còn Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) và Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (UPCOM: DNH) báo lợi nhuận tăng hơn 60%.
Cũng như SBA, các doanh nghiệp trên cho rằng thủy điện lãi lớn chủ yếu nhờ yếu tố thủy văn thuận lợi, hưởng lợi từ La Nina (hiện tượng nhiệt độ nước biển hạ thấp, gây nhiều mưa bão) kể từ nửa cuối năm 2020. Nhờ hiện tượng này, các đợt nắng nóng thường không quá gay gắt trong khi lượng mưa đổ về nhiều hơn, khiến trữ lượng nước trong các hồ, đập thủy điện tăng cao và hiển nhiên kéo sản lượng điện tăng vọt. Như tại VSH, sản lượng điện của doanh nghiệp trong quý 2 tăng gần 40% so với cùng kỳ, hay tại Thủy điện Thác Bà (TBC) là hơn 59%.
Ngoài ra, nền kinh tế trong nước phục hồi cũng đẩy nhanh lượng tiêu thụ điện năng, góp phần giúp bức tranh kinh doanh thủy điện trong quý 2 bừng sáng.
Nhiệt điện chịu áp lực
Những cơn mưa mùa hạ “tưới mát” nhóm thủy điện đã không giúp ích gì cho các doanh nghiệp nhiệt điện. Các doanh nghiệp nhóm này hầu hết ghi nhận lợi nhuận giảm.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) báo doanh thu quý 2 giảm 6%, còn 7.46 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận gộp 929 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ. Lãi ròng đạt được trong quý 2 thấp hơn cùng kỳ 51%, còn 417 tỷ đồng.
Biên lãi gộp của POW giảm là do giá nhiên liệu than và khí được chấp nhận thấp hơn giá thực tế phải trả cho các bên cung cấp (Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau và Vũng Áng 1). Việc giá nhiên liệu – than, khí đốt – leo thang cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty và các nhà máy nhiệt điện POW sở hữu, khi sản lượng điện ghi nhận giảm mạnh ở các nhà máy như nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 (giảm hơn 36%), nhiệt điện Vũng Áng 1 (chia hơn 2 lần giá trị).
Kết quả kinh doanh của POW trong quý 1 và 2 giai đoạn 2020-2022 | ||
Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO 3, HOSE: PGV) cũng có một quý kinh doanh không tốt. Theo đó, dù doanh thu đạt 11.89 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13%, nhưng giá vốn tăng 15% khiến lợi nhuận gộp sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí tài chính gấp 2 lần cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ròng của PGV sụt giảm 51% so với cùng kỳ 2021, còn 419 tỷ đồng.
Lãi ròng quý 2/2022 của PGV giảm 51% so với cùng kỳ | ||
Cũng có một số doanh nghiệp nhiệt điện làm ăn có lãi trong quý II. Như CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCOM: QTP), dù ghi nhận doanh thu giảm nhẹ (-2%, đạt 2.4 ngàn tỷ đồng) nhưng nhờ quản trị chi phí và chào giá bán điện hiệu quả giúp lợi nhuận gộp tăng 35%, đạt 348 tỷ đồng, và lãi sau thuế quý 2 tăng 32%, đạt 254 tỷ đồng.
Cá biệt có NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) báo lãi sau thuế gấp 15 lần cùng kỳ, đạt 365 tỷ đồng, với doanh thu thuần tăng 66% (đạt gần 2.7 ngàn tỷ đồng). NT2 cho biết việc doanh thu tăng mạnh hơn giá vốn đã giúp Công ty có lợi nhuận gộp tăng mạnh (gấp 5.6 lần cùng kỳ. Đồng thời, chi phí tài chính giảm chỉ còn gần 49 tỷ đồng (-86%) do NT2 đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ khoản vay xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 2 cũng đóng góp phần lớn giúp lãi sau thuế quý 2 tăng đột biến.
NT2 nằm trong số các doanh nghiệp nhiệt điện báo lãi ròng tăng trưởng trong quý 2/2022 | ||
Lãi vay bào mòn lợi nhuận ngành điện tái tạo
Kết quả kinh doanh quý 2 của một số doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo bị bào mòn vì chi phí lãi vay.
Điện Gia Lai (HOSE: GEG) ghi nhận doanh thu quý II/2022 tăng do các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại từ quý cuối năm trước. Cụ thể, GEG có doanh thu thuần 506 tỷ đồng, tăng 58%. Tuy nhiên, do chi phí tăng cao – chủ yếu vì chi phí lãi vay tăng 64%, lên 145 tỷ đồng – đã khiến lợi nhuận ròng giảm 54% so với cùng kỳ, còn 30 tỷ đồng.
Trên thực tế, việc liên tục đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo đã buộc GEG duy trì nợ vay ở mức cao. Vay và nợ thuê tài chính tại ngày 30/06/2022 ở mức 7.2 ngàn tỷ đồng, trong đó 6.6 ngàn tỷ đồng là vay dài hạn.
Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) ghi nhận doanh thu thuần quý 2 hơn 1 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021. Khấu trừ các hạng mục chi phí, HDG lãi ròng 418 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ, trong khi lũy kế 6 tháng lãi ròng hơn 600 tỷ đồng, tăng 48%.
Đáng chú ý, cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm từ thủy điện và điện mặt trời tăng mạnh 89%, đóng góp hơn 56% vào tổng doanh thu của HDG. Điều này cho thấy, dù kinh doanh chủ yếu ở hạng mục bất động sản và xây dựng, mảng “đá chéo” ngành điện của HDG đang mang lại những thành quả đầy ấn tượng.
Ở chiều ngược lại, Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) có một quý có doanh thu giảm gần 50%, chỉ đạt 1.5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng điện gấp 2.4 lần cùng kỳ, lên hơn 465 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận gộp tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 345 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính gấp 2.8 lần cùng kỳ (216 tỷ đồng) với chi phí lãi vay tăng mạnh 83% (lên 142 tỷ đồng) đã bào mòn lợi nhuận của Tập đoàn. Kết quả, lãi sau thuế của PC1 giảm 80.3%, còn 67.4 tỷ đồng.
Hồng Đức | FILI