Siết nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc, HPG, HSG, NKG, GDA… có lật ngược thế cờ?
Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 1/2025 do Việt Nam siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hạn chế nguồn cung giá rẻ tràn vào thị trường.
Theo báo cáo thị trường thép tháng 1/2025 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép đạt hơn 476.000 tấn, tăng 20% so với tháng trước nhưng giảm 42% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thép cán nguội (CRC) tăng trưởng mạnh với mức 112%, ống thép tăng 10,7%, trong khi các mặt hàng khác suy giảm.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép đạt khoảng 950.000 tấn, giảm 39% so với tháng trước và 36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu đạt 691 triệu USD, giảm 36% so với tháng trước và 35% so với cùng kỳ năm 2024. Dù giảm mạnh, Trung Quốc vẫn là nguồn cung thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 57% tổng giá trị nhập khẩu.
Theo Chứng khoán Shinhan Vietnam, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào tháng 10/2024 và dự kiến giảm dần trong năm 2025, do nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép Trung Quốc cũng phải cắt giảm sản lượng theo yêu cầu của Chính phủ nhằm kiểm soát dư cung và ổn định thị trường nội địa. Những yếu tố này sẽ giúp giảm áp lực đối với giá thép tại khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là việc áp thuế chống bán phá giá.
Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã gia hạn thêm 5 năm áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, có hiệu lực từ ngày 24/10/2024 đến ngày 23/10/2029. Mức thuế cao nhất đối với các công ty đến từ Trung Quốc là 34,27%, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc chịu thuế 19,25%.
Ngoài ra, Bộ cũng đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo đơn kiện của Hòa Phát và Formosa. Theo dự báo của Chứng khoán Vietcap, kết quả sơ bộ của cuộc điều tra có thể được công bố vào cuối quý I/2025.
Nhìn chung, thị trường thép trong năm 2025 cũng sẽ đối diện với không ít thử thách, đặc biệt là những tác động bên ngoài. Dù vậy, các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), Tôn Đông Á (GDA)… đang tăng cường sản xuất và mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, các biện pháp bảo vệ ngành thép nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và kiểm soát thị trường.
Ánh Nguyệt | KTĐT