Tăng 140% sau 8 tháng, 1 cổ phiếu đường cho điểm mua tại vùng đỉnh 5 năm
Kết thúc năm tài chính từ 1/7/2022 – 30/6/2023, doanh nghiệp mía đường này báo báo lãi sau thuế tăng 4,8 lần cùng kỳ lên mức kỷ lục.
Ấn Độ – nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới sau Brazil vừa công bố sản lượng đường giảm 3,3%. Sản lượng giảm khiến giá đường trong nước tăng cao đẩy lạm phát lên mức 7,44% (riêng lạm phát lương thực lên đến 11,5% – cao nhất trong hơn 3 năm). Chính điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu gạo (hồi tháng 7) và dừng xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10 tới.
Quốc gia đông dân nhất thế giới đã ghi nhận sụt giảm khoảng 5 triệu tấn đường xuất khẩu so với cùng kỳ 2022 (xuất khẩu 11,1 triệu tấn). Điều này làm cho cung đường thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cập nhật lúc 5h34 sáng 25/8, giá đường tiếp tục tăng 0,44 UScents/ b (+1.84%) lên mức 24,29 UScents/lb – ngày càng gần hơn mức đỉnh 5 năm.
Tăng 140% sau 8 tháng, 1 cổ phiếu đường cho điểm mua tại vùng đỉnh 5 năm
Hiện tượng El Nino toàn cầu đang gây tác động lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Brazil, Ấn Độ, Caribean và một số quốc gia quan trọng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tình trạng khô hanh và thiên tai bất thường, chẳng hạn như ở Trung Quốc và Thái Lan, đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung đường.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến niên vụ đường trong năm nay là chi phí phân bón tăng cao do tác động từ xung đột Nga – Ukraine và các biện pháp cấm vận thương mại. Điều này đã dẫn đến tăng giá bán đường.
Nếu xét về cầu tiêu dùng, mùa hè ở bán cầu Bắc, nơi dân số tập trung đông nhất, thường có nhu cầu lớn về đường và nước giải khát. Tuy nhiên, với nguồn cung giảm sút và nhu cầu gia tăng, giá có thể tăng đồng thuận.
Ở trong nước, tác động của hiện tượng El Nino đối với ngành sản xuất đường chưa quá lớn, do đó sản lượng vẫn đang ổn định và giá thành sản xuất vẫn khá thấp. Do đó, giá bán đường cao hơn sẽ giúp tăng biên lãi, từ đó giúp các công ty niêm yết trong ngành như SBT, LSS, QNS, SLS, KTS,… cải thiện lợi nhuận.
Ngoài ra, việc áp thuế đường đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan và ASEAN cũng có thể làm cho đường trong nước trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt khi nguồn cung trong nước chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng.
Cổ phiếu đường – nhịp tăng ngắn hạn đã bắt đầu?
Trên thị trường chứng khoán, sự tích cực từ hiệu ứng “Ấn Độ siết cung” đã ngay lập tức ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu mía đường. Sau một tháng điều chỉnh, nhóm cổ phiếu này đã ghi nhận diễn biến đồng thuận trong phiên giao dịch ngày 24/8. Trong phiên này, các cổ phiếu như LSS, SBT, KTS đã tăng lên mức giá trần; còn SLS và QNS cũng tăng hơn 6%,…
Dựa vào quan sát, cổ phiếu SBT và LSS đều cho thấy tín hiệu mua tích lũy, và đối với KTS của Đường Kon Tum, nếu vượt qua mức giá 35.2x đồng trong các phiên tới, có thể thiết lập xu hướng tăng giá ngắn hạn. Vùng giá tiếp theo sau khi vượt qua mức kháng cự có thể ở mức 42.x đồng.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu KTS đã tăng 138% và hiện đang giao dịch ở vùng giá đỉnh từ đầu năm 2018. Đây cũng là mã ngành đường đang ghi nhận vị thế lớn nhất của lực đỡ dòng tiền lớn.
Tuy nhiên, điều cần chú ý với cổ phiếu này là thanh khoản tương đối thấp, chỉ đạt 6.300 đơn vị/phiên.
Quý 4 vừa qua (niên độ từ 1/7/2022 – 30/6/2023), Đường Kon Tum ghi nhận 289 tỷ đồng doanh thu và 23,7 tỷ lợi nhuận sau thuế – mức kỳ lục trong lịch sử hoạt động. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu và lợi nhuận kỳ này của KTS gấp 6,1 lần và 7,2 lần.
Tính chung toàn niên độ, công ty ghi nhận 548 tỷ đồng doanh thu thuần – gấp 3,1 lần năm trước; giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp giảm nhẹ về mức 12,4% – tương ứng lợi nhuận gộp đạt 68 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng đáng kể nên sau cùng Đường Kon Tum báo lãi sau thuế 38,2 tỷ – tăng 4,8 YoY.
Tăng 140% sau 8 tháng, 1 cổ phiếu đường cho điểm mua tại vùng đỉnh 5 năm
Minh Thuận | KTĐT